Tunisia: Con tàu Galley

Chiếc tàu galley tượng trưng cho sự tự do của Tunisia hiện đại, đồng thời cũng là một biểu tượng thể hiện một phần lịch sử vẻ vang đầy tự hào của nền văn minh Phoenicia từ tận thời cổ đại của lịch sử thế giới.

physical-location-map-of-tunisia.jpg
Vị trí của Tunisia (maphill.com)

Nhạc nền: https://www.youtube.com/watch?v=3qoQBCB1CmM

1. Lịch sử Tunisia

Tunisia nằm ở cực Bắc lục địa châu Phi, từng là nơi sinh sống của các bộ lạc Berber, sau đó người Phoenicia đến đây định cư và thành lập nên thành phố Carthage từ thế kỷ 12 TCN. Còn theo truyền thuyết thì nữ hoàng Dido (hay còn gọi là Elissa) đã thành lập Carthage vào năm 814 TCN. Những người định cư tại Carthage kế thừa văn hóa và tôn giáo của họ từ những người PhoeniciaCanaan.

Dido
Nữ hoàng Dido (civilization.wikia.com)
Habib-Bourguiba
Tổng thống Habib Bourguiba (wikipedia.org)

Carthage sau đó trở thành một thế lực chống đối mạnh mẽ Đế chế La Mã. Nhưng Carthage cuối cùng phải chịu khuất phục trước sức mạnh của La Mã vào năm 146 TCN và trở thành một thuộc địa bị Latin hóaKi-tô giáo hóa hoàn toàn. Đến thế kỷ thứ 7, vùng này bị những người Hồi giáo Arab chinh phục hoàn toàn, và sau đó lần lượt trở thành thuộc địa của Đế chế Ottoman vào thế kỷ 16, thực dân Pháp vào thế kỷ 19. Nhà nước Tunisia hiện đại giành được độc lập và được thành lập vào ngày 25/7/1957 dưới sự lãnh đạo của Habib Bourguiba, cũng là Tổng thống đầu tiên của nước này.

Biểu tượng mặt trăng lưỡi liềm trên quốc kỳ và quốc huy của Tunisia cung cấp cho chúng ta thông tin rằng Tunisia là một quốc gia Hồi giáo. Còn biểu tượng quốc gia của Tunisia được thể hiện một cách nổi bật trên quốc huy của nước này kể từ năm 1956: chiếc tàu galley, tượng trưng cho sự tự do. Đây cũng là biểu tượng thể hiện một phần lịch sử vẻ vang đầy tự hào của dân tộc Tunisia từ tận thời cổ đại của lịch sử thế giới.

quoc-huy-tunisia
Quốc huy Tunisia (wikipedia.org)

2. Nền văn minh Phoenicia

Phoenicia là một nền văn minh dựa vào thương mại hàng hải trải khắp Địa Trung Hải trong suốt thời kỳ từ năm 1500 TCN đến năm 100 TCN. Vốn xuất thân từ Canaan, người Phoenicia không thích canh tác đất đai mà chỉ quan tâm tới đi biển, chế tạo và buôn bán. Người Phoenicia buôn bán trên đất liền với các thương gia chở hàng quý báu từ tận Ấn ĐộTrung Quốc sang phương Tây. Hàng hóa sau đó được chuyển tới Ai CậpHy LạpLa Mã và Bắc Phi. Hoạt động buôn bán này giúp người Phoenicia trở nên giàu có và hùng mạnh. Người Phoenicia là những thương nhân yêu thích thám hiểm, sống trong các thành bang độc lập, tương tự như Hy Lạp cổ đại.

0334fca5-d8b0-4948-b0e0-a998ae9806c3image7.jpeg
Những thương nhân người Phoenicia (emaze.com)
Peter-Ustinov-in-Quo-Vadis-Premium-Photograph-and-Poster-1026127__74520.1432425324.1280.1280
Màu tím Tyre là màu hoàng gia của Đế chế La Mã (phim Quo vadis, 1951)

Hải cảng chính của người Phoenicia Tyre (Lebanon ngày nay) nổi tiếng nhờ thuốc nhuộm màu tím Tyre, một màu áo sang trọng được người Hy Lạp và La Mã mặc để chứng tỏ địa vị của mình. Cái tên ‘Phoenicia’ trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là ‘người màu tím’. Vào năm 570 TCN, mẫu quốc Phoenicia bị người Babylon xâm lược, do đó thuộc địa Carthage trở thành hải cảng chính của họ.

Carthage
Thành phố Carthage – hải cảng chính của người Phoenica (ancient.eu)
bang-chu-cai-Phoenicia
Bảng chữ cái Phoenicia (ancient.eu)

Phoenicia là xã hội cấp nhà nước đầu tiên sử dụng bảng chữ cái một cách rộng rãi. Bảng chữ cái ngữ âm Phoenicia được cho là nguồn gốc của những bảng chữ cái hiện đại ngày nay. Thông qua thương mại hàng hải, người Phoenicia phổ biến việc sử dụng bảng chữ cái tới Bắc Phichâu Âu. Người Hy Lạp đã sử dụng bảng chữ cái này và truyền lại cho người Etrusca, những người đã truyền lại cho người La Mã.

3. Tàu galley

Bí quyết thành công của người Phoenicia cả về kinh tế lẫn quân sự chính là những chiếc tàu galley, đóng từ gỗ cây tuyết tùng LebanonTừ Địa Trung Hải, phát minh này đã được phổ biến khắp thế giới phương Tây từ thời cổ đại cho đến tận thế kỷ 19. Galley là một loại tàu dựa vào sức người chèo thuyền để di chuyển, có sàn thấp, thân tàu dài và thon, chạy bằng buồm và mái chèo. Vũ khí chủ yếu của tàu galley là một mũi nhọn bằng sắt ở đầu tàu để đâm thủng hoặc làm vỡ các mái chèo của tàu kẻ thù. Sau này người ta còn trang bị máy bắn đá hoặc súng thần công trên tàu. Hầu hết các chiếc tàu đều có cánh buồm để có thể sử dụng trong những cơn gió thuận lợi, nhưng sức người vẫn là động cơ chính của tàu. Điều này cho phép tàu tự do di chuyển một cách chính xác ngược dòng những cơn gió và thủy triều. Sự thành công của tàu galley chính là nhờ vào tốc độ và sự điều khiển bằng tay.

Những người thợ đóng tàu Phoenicia là những người đầu tiên phát minh ra các phiên bản tàu galley có 2 tầng mái chèo vào khoảng năm 700 TCN, trong tiếng Hy Lạp gọi là bireme, trong đó “bi-” có nghĩa là “hai” và “-reme” có nghĩa là “mái chèo”, vì mỗi bên thân tàu có đến 2 tầng cho các thủy thủ ngồi chèo, do đó một chiếc bireme có thể chứa đến 120 người chèo. Nó thường có độ dài khoảng 24m và rộng khoảng 3m.

bireme
Tàu bireme (weaponsandwarfare.com)

Những chiếc bireme sau đó được người Hy Lạp cải tiến và thêm một tầng chèo nữa để trở thành tàu trireme, nghĩa là có tới 3 tầng, chứa được đến 180 thủy thủ. Tàu trireme về cơ bản vẫn giữ độ dài cũ của tàu bireme nhưng tăng thêm chiều cao và có một cánh buồm lớn hơn hình vuông .

trireme
Tàu trireme Hy Lạp (wikipedia.org)

Tàu galley có thể vừa sử dụng làm tàu chở hàng, vừa có thể dùng như 1 loại tàu chiến trên biển. Đối với tàu buôn thì thân tàu sẽ ít dãn ra hơn, có ít mái chèo hơn và sẽ dựa chủ yếu vào những cánh buồm. Tàu galley sẽ chuyên chở những loại hàng hóa có giá trị hoặc dễ hư hỏng mà cần phải được di chuyển một cách an toàn và nhanh chóng nhất có thể. Nhờ vậy mà Carthage trở thành một cường quốc hàng hải, họ kiểm soát hầu hết các hoạt động giao thương trên Địa Trung Hải, cung cấp binh lính, nô lệ và hàng hóa, và tích trữ lượng lượng vàng bạc khổng lồ từ các mỏ khai thác ở Tây Ban Nha.

thuyen-galley
Tàu buôn galley (explorersweb.com)

4. Những cuộc chiến tranh Punic

Những hạm đội lớn các tàu chiến galley đã được sử dụng cực kỳ phổ biến trong các cuộc tranh chấp, xung đột của người Carthage, tiêu biểu nhất là các cuộc chiến tranh Punic, trong đó bao gồm rất nhiều những trận hải chiến lớn với hàng trăm tàu thuyền và hàng chục ngàn binh sĩ, thủy thủ và nô lệ chèo thuyền.

Chiến tranh Punic là tên gọi của cuộc chiến tranh giữa La Mã cổ đại và Carthage, vì theo tiếng Latin, người Carthage còn được gọi là người Punic, nghĩa là “con cháu của người Phoenicia“. Nguyên nhân chính của cuộc chiến tranh Punic là do La Mã muốn mở rộng lãnh thổ qua thành phố Sicily, khi đó đang nằm dưới sự kiểm soát của Carthage.

chien-tranh-punic
Bản đồ 2 đế chế La Mã và Carthage năm 264 TCN (wikipedia.org)

Vào thời điểm bắt đầu cuộc chiến tranh Punic lần I (264–241 TCN), Carthage là thế lực lớn nhất chi phối vùng phía Tây Địa Trung Hải, với một đế chế hàng hải rộng lớn, trong khi Rome đã nhanh chóng tăng dần sức mạnh tại Italy, nhưng yếu hơn hẳn về sức mạnh hải quân so với Carthage. Để khắc phục điểm yếu này, trong vòng chỉ 2 tháng, La Mã đã xây dựng một lực lượng hải quân gồm hơn 1000 tàu galley dựa trên chính những thiết kế của người Carthage để đồi đầu trực diện với Carthage trên biển. Sự kiện này cũng tạo một nền móng vững chắc cho sự thống trị của La Mã cả trên đất liền và trên biển sau này.

c4f19b06f3674eba414d3df04e01e8b3
Những trận hải chiến dữ dội trong chiến tranh Punic lần I (pinterest.com)
Hannibal
Tướng quân Hannibal vĩ đại (phalanxgames.pl)

Chiến tranh Punic lần II (218 – 201 TCN)  chứng kiến sự kiện tướng Hannibal dẫn quân đoàn của mình gồm nhiều ngựa chiến và voi chiến vượt qua dãy Alps và tiến vào đến tận lãnh thổ La Mã vào năm 218 TCN. Đây là sự kiện mang tính biểu trưng của chiến tranh Punic lần II và là một trong những thành tựu nổi tiếng nhất của bất kỳ lực lượng quân sự nào trong chiến tranh cổ đại. Những chiến thắng khó tin của tướng Hannibal trên đất Italy trong 16 năm đã gần như làm tê liệt hoàn toàn La Mã. Nhưng đến cuối cuộc chiến, Hannibal phải chịu thất bại sau cùng trước một trong những chỉ huy quân sự và chiến lược gia vĩ đại nhất mọi thời đại của nhân loại: Scipio Africanus.

hannibal
Quân đội Carthage vượt dãy Alps chiến tranh Punic lần II (historythings.com)

Vào cuối cuộc chiến thứ III (149–146 TCN), sau hơn 100 năm và cái chết của hàng trăm ngàn binh sĩ của cả hai bên, Rome cuối cùng đã thành công trong việc chinh phục Đế chế Carthage và hoàn toàn san bằng thành phố này, từ đó trở thành thế lực duy nhất thống trị phía Tây Địa Trung Hải cũng như thế giới phương Tây thời bấy giờ.

Catapulta
Bức họa Catapulta của họa sĩ Edward Poynter diễn tả cảnh quân La Mã đánh sập thành Carthage (wikipedia.org)

Ngày nay, biểu tượng chiếc tàu galley tượng trưng cho một thời kỳ tự do và phát triển rực rỡ của Đế chế Carthage khi chưa lệ thuộc bất kỳ một thế lực ngoại quốc nào, cũng như đã trở thành một nét bản sắc văn hóa bản địa của người dân Tunisia.

Tài liệu tham khảo:

https://en.wikipedia.org/wiki/Tunisia

Casson, L. (1994). “The Age of the Supergalleys” trong Ships and Seafaring in Ancient Times. University of Texas Press

Kingfisher. (2014). Bách khoa thư lịch sử. Hà Nội: Nhã Nam

Lancel, S. (1995). Hannibal. New Jersey: Wiley-Blackwell

Morrison, J. S. & Gardiner, R.(Eds). (1995). The Age of the Galley: Mediterranean Oared Vessels Since Pre-Classical Times. London: Conway Maritime

Một suy nghĩ 4 thoughts on “Tunisia: Con tàu Galley

Bình luận về bài viết này