Iraq: Ngôi sao Ishtar

Ngôi sao Ishtar và Sư tử Babylon đều là những biểu tượng chính của một trong những vị nữ thần quan trọng nhất của nền văn minh Lưỡng Hà nói riêng và văn minh nhân loại nói chung, thể hiện những giá trị văn hóa, căn tính cốt lõi của đất nước Iraq ngày nay.

vi-tri-iraq
Vị trí Iraq (maphill.com)

Nhạc nền: https://youtu.be/fdiNlg9Ry0o

1. Lịch sử Iraq

Iraq nằm ở Trung Đông, khu vực Tây Á, với thủ đô Baghdad là trung tâm của đất nước và tôn giáo chính là Hồi giáo. Hai con sông Tigris và Euphrates chảy về phía Nam qua trung tâm của Iraq cung cấp rất nhiều dưỡng chất cho vùng đất này và khu vực nằm giữa 2 con sông này được gọi là Lưỡng Hà, là nơi đã sản sinh ra chữ viết và các nền văn minh cổ nhất của nhân loại kể từ thiên niên kỷ thứ 6 TCN. Trong các giai đoạn khác nhau của lịch sử, Iraq từng là trung tâm của các đế quốc Sumer, Akkad, AssyriaBabylon. Nó cũng từng là một phần của các đế quốc của người Ba Tư, Hy Lạp, La Mã, Ả Rập, Ai CậpMông Cổ Thổ Nhĩ Kỳ.

gilgamesh
Vua Gilgamesh, vị vua huyền thoại của người Sumer (trong game Civilization VI)

Biên giới hiện đại của Iraq đã được phân định chủ yếu vào năm 1920 khi Đế quốc Ottoman bị phân chia sau Thế chiến I. Iraq sau đó bị đặt dưới quyền của Vương quốc Anh và giành được độc lập từ năm 1932. Năm 1958, chế độ quân chủ bị lật đổ và Cộng hòa Iraq đã được thành lập.

Quốc huyquốc kỳ ngày nay của Iraq mang những biểu tượng thuộc hệ thống biểu tượng của thế giới Hồi giáo, tôn giáo chính của quốc gia này. Tuy nhiên để tìm về những biểu tượng mang bản sắc của Iraq, cần phải tìm về những manh mối xa xưa hơn nữa. Quốc huy của Vương quốc Iraq từ năm 1932-1959 thể hiện hình ảnh của con sư tử Babylon ở vị trí danh dự, tức bên phải (và bên trái của người nhìn). Trong quy tắc thiết kế huy hiệu thì vị trí bên phải gọi là dexter, thể hiện vị trí quan trọng hơn vật ở bên phải.

quoc-huy-iraq
Quốc huy vương quốc Iraq từ năm 1932-1959 (wikipedia.org)

Còn 2 ngôi sao 8 cánh thật ra là biểu tượng của vị nữ thần cổ đại của nền văn minh Lưỡng Hà: Ishtar. Thậm chí sau khi chế độ quân chủ ở Iraq bị lật đổ và Cộng hòa Iraq đã được thành lập vào năm 1958, quốc kỳ và quốc huy của nước này sau đó là sự vẫn thể hiện hình ảnh của ngôi sao 8 cánh này.

quoc-ky-iraq
Quốc kỳ Iraq năm 1959–1963 (wikipedia.org)
quoc-huy-iraq
Quốc huy Iraq năm 1959-1965 (wikipedia.org)

2. Nữ thần Ishtar

Ishtar
Tượng nữ thần Ishtar tại Bảo tàng Anh (wikipedia.org)

Ishtar là phiên bản Babylon của nữ thần Inanna của người Sumer, vốn có nguồn gốc xuất hiện từ sớm hơn. Bà là nữ thần của tình yêu, sắc đẹp, tình dục, dục vọng, sinh sản, chiến tranh, công lýquyền lực chính trị. Ban đầu Inanna được thờ phụng ở Sumer, sau đó được thờ ở Akkadia,Babylon và Assyria với tên gọi mới là Ishtar. Bà được xem là “Nữ hoàng của thiên giới“, vị nữ thần quan trọng nhất của thần thoại Lưỡng Hà và là vị thần bảo hộ cho đền Eanna ở thành phố Uruk, nơi thờ phụng chính của bà.

Ishtar
Nữ thần của tình dục và sinh sản (pinterest.com)

Thành phố Uruk còn được gọi là thành phố của hoạt động mại dâm tôn giáo, vì tình dục được xem là một nghi thức thờ cúng nữ thần Inanna – Ishtar và bà cũng là vị thần bảo trợ cho các cô gái điếm và khu nhà thổ. Những nữ tu sỹ phục vụ thần Ishtar có thể hiến thân cho những người đàn ông đóng góp tiền cho đền thờ. Người ta quan niệm đây là vinh dự cho người phụ nữ. Đây là lý do mà các đền thờ Ishtar đã trở thành trung tâm tình dục và sinh sản. Những vị tu sỹ trở thành y tá đồng thời cũng là những nhà trị liệu tình dục.

Loại hình thờ phụng – mại dâm này được các nền văn minh Lưỡng Hà sau này tiếp tục kế thừa từ người Sumer cho đến khi Kitô giáo xuất hiện vào thế kỷ thứ I. Ishtar tiếp tục ảnh hưởng hình tượng nữ thần Astarte của người Phoenicia và sau này là Aphrodite của người Hy Lạp.

uruk-southern-iraq-the-eanna-temple-complex
Hình ảnh phục dựng đền Eanna tại Uruk (archaeologyillustrated.com)
Ishtar
Nữ thần của sao Kim (goddesses-and-gods.blogspot.com)

Cũng giống như nữ thần AphroditeVenus của người Hy LạpLa Mã, Inanna – Ishtar cũng là vị thần được gắn với sao Kim, là con gái của thần mặt trăng Sin và đôi khi là con gái của thần bầu trời tối cao Anu. Sao Kim vốn là ngôi sao xuất hiện vào ban ngày lẫn ban đêm, vì thế nên Ishtar có cha là Mặt Trăng Sin và anh trai là Mặt Trời Shamash, mà lại có chị gái là nữ thần địa ngục EreshkigalIshtar được miêu tả là một thiếu nữ đồng trinh trong trắng buổi sáng, chủ trì công việc chiến trậntàn sát nhưng lại là một gái điếm mỗi khi đêm xuống, bảo hộ cho tình yêu và khoái lac, tượng trưng cho sao Maisao Hôm, đều là tên gọi cho sự xuất hiện của sao Kim vào buổi sáng và buổi tối.

3. Thần thoại với Dumuzid

Chồng của Ishtar là nam thần nông nghiệp  Dumuzid – Tammuz và người hầu của bà là nữ thần Ninshubur. Tượng trưng cho mối quan hệ vợ chồng giữa IshtarDumuzid, ở Sumer ngày xưa, có một lễ hội mà các vị vua sẽ đóng vai Dumuzid còn vị nữ trưởng tế sẽ đóng vai Ishtar và thực hiện nghi lễ giao hợp để đảm bảo một mùa màng bội thu, mọi vật phát triển.

ereshkigal
Nữ thần Ereshkigal (ancient-origins.net)

Ishtar xuất hiện trong các câu chuyện thần thoại nhiều hơn bất kỳ vị thần Lưỡng Hà nào, đa số các câu chuyện thể hiện sự hung hãn, đáng sợ của bà. Ishtar chinh phục các người tình cũng dữ dội như khi đánh bại kẻ thù trên chiến trận. Nhưng câu chuyện nổi tiếng nhất của bà là chuyến du hành của bà đến Kur, vương quốc âm phủ của người Sumer cổ đại, để chinh phục người chị của mình là nữ hoàng địa ngục Ereshkigal. Tại mỗi cửa ải địa ngục, bà phải trút bỏ một món y phục trên người và cuối cùng trần truồng diện kiến 7 vị thẩm phán địa ngục Anunnaki. Ishtar bị kết tội xấc xược, ngạo mạn và bị giết chết, trở thành một thành viên của âm giới. 

Dumuzid
Tượng thần Dumuzid (britannica.com)

3 ngày sau, nữ tì Ninshubur cầu xin chư thần giải cứu Ishtar, nhưng tất cả đều từ chối ngoại trừ thần nước Ea (Enki). Ông phái 2 sinh vật không có giới tính đến giải cứu Ishtar về, nhưng con quỷ dữ gallu canh giữ địa ngục lại kéo người chồng Dumuzid, thần nông nghiệp, xuống âm giới thế chỗ của bà. Cuối cùng, một thỏa thuận được đưa ra là Dumuzid có thể được phép trở lại mặt đất trong vòng nửa năm để sống cùng Ishtar, khi đó chị của ông là nữ thần Geshtinanna phải xuống địa ngục thế chỗ. Điều này lý giải cho vòng thay đổi của mùa màng, khi Dumuzid trở lại mặt đất thì đó là mùa xuân, mùa màng triễu chín, sữa chảy tràn trề và vườn hoa đua nở. Nhưng khi Dumuzid phải trở lại âm phủ thì đó là mùa đông, mọi vật đều úa tàn, khô héo. Câu chuyện này mang nhiều nét tương đồng của thần thoại về nữ thần Persephone của người Hy Lạp.

4. Thần thoại với Gilgamesh

800px-o.1054_color
Gilgamesh giết chết con bò mộng thiên cung (wikipedia.org)

Sử thi Gilgamesh của người Lưỡng Hà là một trong những tác phẩm văn học viết sớm nhất của loài người. Nó vốn là một loạt truyền thuyết và thơ của người Sumer về huyền thoại của vị vua anh hùng Gilgamesh, sau đó nó đã được kết hợp vào một sử thi dài hơn tiếng Akkad.

Trong bộ sử thi này, Ishtar đã hiện ra khi Gilgamesh và người bạn đồng hành Enkidu trở về Uruk sau khi tiêu diệt được tên khổng lồ Humbaba và yêu cầu Gilgamesh trở thành chồng của mình. Gilgamesh từ chối và chỉ ra rằng Ishtar đã đối xử tàn nhẫn thế nào với tất cả người tình của mình. Phẫn nộ khi bị từ chối thẳng thừng, Ishtar bay đến thiên cung và yêu cầu cha mình là thần Anu cho mượn con bò mộng của thiên cung (tức chòm sao Kim Ngưu) để giết chết Gilgamesh. Nhưng Gilgamesh vốn là một Á thần với 2 phần 3 dòng máu của thần linh trong người, sở hữu sức mạnh siêu nhiên, cùng với sự giúp đỡ của người bạn Enkidu, đã giết chết được con bò. Chư thần phẫn nộ vì bị lăng nhục, đã trả thù bằng cách cho Enkidu ngã bệnh và phải chết. Choáng váng vì cái chết của bạn mình và sợ hãi khi nghĩ đến cái chết, Gilgamesh lên đường trên hành trình đi tìm phương thuốc bất tử cho mình, nhưng anh liên tục thất bại trước các thử thách trên đường và cuối đời trở về Uruk, biết rằng sự bất tử hoàn toàn nằm ngoài tầm với của loài người.

5. Ngôi sao Ishtar

ngoi-sao-ishtar
Ngôi sao Ishtar (wikipedia.org)

Những biểu tượng quan trọng nhất của nữ thần Ishtar là ngôi sao 8 cánh và con sư tử Babylon. Vì Ishtar thường được đồng nhất với nữ thần Venus, ngôi sao Ishtar còn có nghĩa là ngôi sao Venus.

Ishtar-Sin-Shamash
Ishtar – Sin – Shamash (gravany.pagesperso-orange.fr)

Ngôi sao Ishtar thường có 8 cánh, là biểu tượng thường thấy nhất tượng trưng cho Ishtar. Có vẻ như ban đầu nó mang ý nghĩa tượng trưng cho thiên đàng, nhưng vào thời vương quốc Babylon, nó đặc biệt đại diện cho sao Kim, hành tinh của nữ thần Ishtar

Vào những thời kỳ muộn hơn, những người nô lệ phục vụ trong những ngôi đền thờ Ishtar thường bị đóng dấu hình một ngôi sao 8 cánh. Ngôi sao này còn thường xuất hiện cùng với biểu tượng trăng khuyết, tượng trưng cho thần Mặt trăng Sin và biểu tượng dĩa mặt trời, tượng trưng cho thần Mặt trời Shamash, tạo thành một bộ 3 (trinity) vị thần của thần thoại Lưỡng Hà.

Ishtar-Shamash
Ngôi sao Ishtar – Shamash (wikipedia.org)

Vào thời hiện đại, ngôi sao Ishtar thường được lồng ghép vào và xuất hiện cùng với những tia sáng của thần Mặt trời ShamashUtu. Thần Mặt trời Shamash là người anh sinh đôi của Ishtar, cùng với bà trở thành những người thực thi công lý tối thượng, là vị thần của mặt trời, công lý, đạo đức chân lý. Thần thường lái cỗ xe ngựa của mình băng qua bầu trời và quan sát mọi sự diễn ra trên mặt đất. Shamash cũng đã giúp bảo vệ Dumuzid khỏi nguy hiểm khi thần bị những con quỷ dữ Gallu kéo xuống địa ngục và giúp anh hùng Gilgamesh đánh bại tên khổng lồ Humbaba.

Bảng đáshamash-tablet
Bảng đá khắc hình thần Shamash (ancientpages.com)

Một biểu tượng khác cũng quan trọng không kém của Ishtar là biểu tượng hoa hồng, vốn dĩ là biểu tượng của thần Inanna. Trong thời kỳ Tân Vương quốc Assyria, hình hoa hồng có thể đã thay thế ngôi sao 8 cánh để trở thành biểu tượng chính của Ishtar. Ngôi đền của Ishtar tại thành phố Assur (nay chỉ còn là tàn tích) từng được trang trí bởi rất nhiều những họa tiết hoa hồng.

su-tu-babylon
Sư tử Babylon cùng họa tiết hoa hồng (aratta.wordpress.com)

6. Sư tử Babylon

Inanna
“Inanna và con rắn” (pinterest.com)

Biểu tượng sư tử Babylon có nguyên mẫu là loài sư tử châu Á, hay sư tử Lưỡng Hà, loài sư tử từng sinh sống nhiều ở vùng đất này. Đây là một biểu tượng cổ xưa đại diện cho quyền lựcvương quyền của vương quốc Babylon, cũng là một biểu tượng của nữ thần Ishtar. Một bằng chứng của mối liên hệ này là một cái tô thời đại Sumer được tìm thấy ở đền thờ Ishtar ở thành phố Nippur, Iraq, vẽ hình một con mèo lớn đang chiến đấu chống lại một con rắn khổng lồ và một dòng chữ trên đó có ghi “Inanna và con rắn“, chứng tỏ con mèo lớn hay sư tử đó chính là hình ảnh của nữ thần. Vào thời vương quốc Akka, Ishtar thường được miêu tả là một nữ chiến binh và luôn kề vai sát cánh cùng một con sư tử.

Ishtar
Lá bài tarot Ishtar (pinterest.com)

Cánh cổng Ishtar nổi tiếng là cánh cổng thứ 8 dẫn vào trung tâm thành phố Babylon, được xây dựng năm 575 TCN theo lệnh của vua Nebuchadnezzar II (605-562 BC) vĩ đại (cũng là người cho xây dựng kỳ quan thế giới cổ đại Vườn treo Babylon) nằm về phía Bắc của thành phố, được trang trí bằng rất nhiều những biểu tượng sư tử. 

Một điểm thú vị nữa là việc xây dựng thủ đô Baghdad của Iraq bắt đầu khởi công vào tháng 7 năm 764, tức là tháng của chòm sao Sư tử.

cong-ishtar
Cánh cổng Ishtar (dinromerohistory.wordpress.com)
gilgamesh-lion
Bức tượng Gilgamesh và sư tử (pinterest.com)

Sư tử còn đóng một vai trò quan trọng trong bộ sử thi Gilgamesh, khi chàng băng qua một ngọn đèo vào ban đêm và chạm trán một bầy sư tử. Một mình đơn độc giữa đêm khuya, Gilgamesh cầu nguyện sự bảo hộ từ thần Mặt trăng Sin. Trong giấc mơ chàng được truyền sức mạnh và động viên, Gilgamesh thức dậy và tiêu diệt được cả bọn sư tử và lột da của chúng làm áo khoác cho mình, vì thế mà loài sư tử còn tượng trưng cho sức mạnh thần thánh của Gilgamesh. Các bức tượng điêu khắc thường thể hiện hình Gilgamesh tóm lấy cổ một con sư tử, thể hiện chiều cao, kích cỡ phi thường của Gilgamesh. Chiến công này của Gilgamesh mang nhiều nét tương đồng với chiến công của người anh hùng Hercules chống lại con sư tử Nemea của thần thoại Hy Lạp.

Một bức tượng sư tử rất nổi tiếng đã tìm được ở thành phố Babylon, Iraq được tạc từ đá bazan đen, thể hiện hình tượng một con sư tử Lưỡng Hà cao 2m đè lên trên một người đàn ông đang nằm dài khoảng 1m.  Bức tượng này sau đó được xem là biểu tượng quan trọng nhất của nghệ thuật Babylon nói riêng và nghệ thuật Lưỡng Hà nói chung.

lion-of-babylon
Tượng sư tử Babylon (wikipedia.org)
logo-doi-tuyen-iraq
Biểu tượng Liên đoàn bóng đá Iraq (wikipedia.org)

Bức tượng sư tử Babylon này trở thành một trong những biểu tượng quốc gia của Iraq, được sử dụng bởi rất nhiều tổ chức, thiết chế ở Iraq bao gồm cả Liên đoàn bóng đá quốc gia Iraq. Đội tuyển bóng đá quốc gia của nước này cũng có biệt danh là “Những chú sư tử Lưỡng Hà“.

Tài liệu tham khảo:

Black, Jeremy & Green, Anthony. (1992). Gods, Demons and Symbols of Ancient Mesopotamia: An Illustrated Dictionary. The British Museum Press

Cotterell, A. & Storm, R.. (2017). The Ultimate Encyclopedia of Mythology. London: Annes Publishing

George, Andrew R. (2003). The Epic of Gilgamesh: the Babylonian Epic Poem and Other Texts in Akkadian and Sumerian. Penguin Classics (Third ed.). London: Penguin Books.

Jean Chevailier & Alain Gheerbrant. (2002). Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới. Đà Nẵng

Kỳ lạ “mại dâm dâng hiến” thời cổ đại – https://khoahoc.tv/ky-la-mai-dam-dang-hien-thoi-co-dai-45477

Michael Jordan. (1993). Encyclopedia of gods: Over 2,500 deities of the world. New York: Facts On File

Wolkstein, Diane; Kramer, Samuel Noah (1983), Inanna: Queen of Heaven and Earth: Her Stories and Hymns from Sumer, New York City, New York: Harper & Row Publishers

https://vi.wikipedia.org/wiki/Iraq