Ukraina: Đinh ba Tryzub

Hình ảnh cây đinh ba Tryzub trông giống như hình ảnh một con chim ưng Bắc Cực đang hạ cánh để bắt lấy con mồi, là biểu tượng của các thiên thần giáng thế. Vì thế chim ưng là một phần của Chúa 3 ngôi, phát triển trong thời kỳ Kitô giáo được lan rộng tại Ukraina.

physical-location-map-of-ukraine.jpg
(maphill.com)
800px-Vasnetsov_Bapt_Vladimir.jpg
Lễ rửa tội của Vladimir I Đại đế (wikipedia.org)

Ukraina thuộc khu vực Đông Âu, có thủ đô là thành phố Kiev. Lịch sử của Ukraina cũng như lịch sử Nga, Belarus bắt đầu từ khoảng thế kỉ 9 khi vùng đất này trở thành trung tâm của nền văn minh Đông Slav với quốc gia Rus Kiev hùng mạnh nhất ở châu Âu tồn tại đến thế kỉ 12. Thời kỳ huy hoàng này bắt đầu với sự cai trị của Vladimir I Đại đế (980–1015), ông đã đưa Rus theo Thiên Chúa giáo Byzantine. Trong thời cầm quyền của con trai ông, Yaroslav the Wise (Yaroslav the Wise) (1019–1054), nước Rus Kiev đạt tới cực điểm phát triển văn hóa và quyền lực quân sự. Trong những thế kỷ tiếp sau, nó đặt nền móng cho tính đồng nhất quốc gia của người Ukraina và người Nga.

Yaroslav.jpg
Yaroslav the Wise đưa nước Rus Kiev đến thời cực thịnh (pinterest.com)

Khi đế quốc Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn trỗi dậy và bành trướng, Rus Kiev bị Mông Cổ đánh tan và chịu cảnh nô lệ suốt nhiều thế kỷ. Sự chia cắt về chính trị của Rus Kiev đã tách người Nga ở phía Bắc ra khỏi người Belarus và người Ukraine ở phía Tây. Như vậy, 3 quốc gia Nga, Belarus và Ukraina đều chia sẻ chung một cội nguồn là xứ Rus Kiev của người Rus’. Cho tới nay, 3 quốc gia này tuy độc lập với nhau nhưng có rất nhiều điểm chung về ngôn ngữ, phong tục, tôn giáo.

Sergiy_Vasylkivskiy-_Cossack_Dunai.jpg
Chiến binh Cossack (wikiwand.com)

Giữa thế kỷ 14, vùng đất trung tâm của Nga, gồm cả Kiev, rơi vào tay Lithuania. Năm 1569, Liên minh Lublin thành lập Khối thịnh vượng chung Ba LanLithuania, và một phần lớn lãnh thổ Ukraina được chuyển từ Lithuania sang cho vua Ba Lan. Những người nông dân Ukraina hay Nga đã chạy trốn khỏi sự áp bức của Ba Lan để sinh sống tại các thảo nguyên phương Nam tự do nhưng đầy nguy hiểm được gọi là những người Cossack. Họ tìm kiếm sự bảo hộ của Chính thống giáo Nga, một quyết định sau này sẽ dẫn tới sự sụp đổ của nhà nước Ba Lan-Lithuania, và sự bảo tồn Nhà thờ Chính thống và tại Ukraina.

bohdan2.jpg
Bohdan Khmelnytsky (alchetron.com)

Năm 1648, Bohdan Khmelnytsky lãnh đạo những cuộc nổi dậy lớn nhất của người Cossack chống lại Khối thịnh vượng chung và vua Ba Lan. Bờ Tây Ukraina cuối cùng sáp nhập vào Nga. Sau cuộc phân chia Ba Lan ở cuối thế kỷ 18, Tây Ukraina bị Áo chiếm, trong khi phần còn lại của Ukraina dần bị sáp nhập vào Đế quốc Nga.

Với sự sụp đổ của Đế quốc Nga cùng với Áo-Hung sau Thế chiến I và cuộc Cách mạng Nga năm 1917, một phong trào quốc gia Ukraina đòi quyền tự quyết tái xuất hiện. Một thời kỳ chiến tranh hỗn loạn diễn ra sau đó. Trong giai đoạn 1917–20, nhiều nhà nước Ukraina riêng biệt xuất hiện trong một giai đoạn ngắn. Năm 1922, Ukraina trở thành một nước đồng sáng lập Liên bang Soviet và trở thành một nước cộng hòa theo thể chế xã hội chủ nghĩa nằm trong Liên Xô. Năm 1991, Liên Xô sụp đổ và Ukraina lại trở thành một quốc gia độc lập. Từ đó đến nay, Ukraina đã tiến hành mở cửa và xây dựng nền kinh tế thị trường.

Biểu tượng quốc gia ngày nay của Ukraina là 1 biểu tượng cổ xưa và thiêng liêng của đất nước này: cây đinh ba Tryzub vàng trên nền xanh. Có khoảng hơn 40 giả thiết khác nhau lý giải về nguồn gốc và ý nghĩa của cây đinh ba Tryzub, trong số đó nổi tiếng nhất là biểu tượng của dòng họ Rurik, biểu tượng của chim ưng và biểu tượng của Chúa 3 ngôi.

Lesser_Coat_of_Arms_of_Ukraine.jpg
Quốc huy Ukraina (wikipedia.org)

1. Biểu tượng của triều đại Rurik

Svyatoslav.jpg
Hoàng tử Sviatoslav I (pinterest.com)

Thiết kế của hình ảnh cây đinh ba ngày nay có nguồn gốc từ huy hiệu của triều đại Rurik cai trị nước Rus Kiev cổ xưa. Theo Biên niên sử Đầu tiên, giới thượng lưu Nga và Ukraina ban đầu gồm những người Viking Varangian từ Scandinavia. Những người Varangian sau này bị đồng hóa vào xã hội cư dân Slav địa phương và trở thành một phần của triều đại Nga đầu tiên là nhà Rurik. Kievan Rus’ gồm nhiều công quốc do các Hoàng tử nhà Rurik có quan hệ huyết thống với nhau cai trị. Khu vực Kiev, công quốc thịnh vượng và có ảnh hưởng nhất, trở thành mục tiêu tranh giành giữa các hoàng tử nhà Rurik và là đích tối thượng cho cuộc tranh giành quyền lực của họ.

Vladimir-I-Sviatoslavich
Vladimir I Đại đế (wikipedia.org)

Biểu tượng cây đinh ba được khắc trên những đồng vàng và bạc được lưu hành dưới thời Vladimir i Đại đế, và có thể ông đã kế thừa biểu tượng này từ tổ tiên mình là Hoàng tử Sviatoslav I của Kiev và sau đó truyền cho các hậu duệ của mình như Svyatopolk I (1015–19) và Yaroslav the Wise (1019–54) như một biểu tượng của triều đại. Vladimir I theo đạo Kitô và kết hôn với chị  của hoàng đế Byzantine. Để thành lập giáo hội chính thống ở Đông Âu và Hy Lạp, ông đã kêu gọi các nhà truyền giáo Hy Lạp vào lãnh thổ của mình. Ông được phong thánh và được xem như vị thánh bảo hộ của Ukraina.

Ruriks_crests1
(wikipedia.org)

2. Biểu tượng của chim ưng

8eb0497364cdca42a342a101aa9175f2.jpg
Đồng xu của Olaf Guthfrithsson (nkj.ru)

Rất nhiều sử gia cùng nhất trí rằng biểu tượng này ban đầu không phải là mô tả một cây đinh ba, mà là một con chim ưng cách điệu. Hình ảnh một con chim ưng đang bay với Thánh giá trên đầu từng được tìm thấy ở vùng Ladoga, vị trí đầu tiên của triều đại Rurik. Hình ảnh này còn được tìm thấy trên những đồng xu của Olaf Guthfrithsson, vị vua người Viking của Dublin và Northumbria vào thế kỷ thứ 10.

Chim ưng Bắc cực là loài to nhất và có thể là nhanh nhất trong tất cả các loài chim ưng. Loài này sinh sản ở trên bờ biển Bắc Cực và các đảo ở Bắc Mỹ, châu Âu, và châu Á. Bộ lông của nó thay đổi theo vị trí, với màu sắc từ trắng toàn thân cho đến màu nâu sẫm.

2008-12-28_12-21-49-Edit-L
Chim ưng Bắc Cực (falconphotos.com)
Сокіл-Род
Chim ưng thần Pershoboh

Nuôi chim săn mồi từ lâu đã là một môn thể thao trong hoàng gia trong hàng thế kỷ tại châu Âu. Trong đó loài chim ưng Bắc cực được xem là loài chim của hoàng gia và từng được nhắc tới trong một trong những bộ sử thi lâu đời nhất viết bằng tiếng Nga cổ: Khúc ca về binh đoàn Igor trong thế kỷ thứ 12. Trên thực tế rất khó khăn để bắt được một con chim ưng Bắc Cực, nên đây loài chim chỉ được các quý tộc và vua chúa theo đuổi, và vì thế chúng tượng trưng cho chủ quyền.

Hình ảnh cây đinh ba trông giống như hình ảnh một con chim ưng Bắc Cực đang hạ cánh để bắt lấy con mồi. Trong thần thoại Slavic, chim ưng tượng trưng cho vị thần đầu tiên của vũ trụ, Pershoboh (Першоптах). Theo thần thoại Slavic, Pershoboh là con chim ưng thần sinh ra từ nước mắt của Chúa trời, là sứ giả của Ngài. Chim Pershoboh đã đẻ ra những quả trứng mà từ đó nở ra Thiên đàng, Thế giới, bầu trời và mặt đất.

Trong Kitô giáo, hình ảnh con chim ưng hạ cánh là biểu tượng của Các thiên thần giáng thế, cách giải thích này xuất hiện trong thời kỳ Kitô giáo được lan rộng tại Ukraina. Vì thế chim ưng là một phần của Chúa 3 ngôi, cũng giống như biểu tượng cây đinh ba thể hiện cho Chúa 3 ngôi.

Tại các quốc gia của dân tộc Slav, chim ưng là biểu tượng của sự nam tính, sức mạnh và sự dũng cảm, một người bảo hộ quốc gia, một chiến binh từ trời cao.

3b928e14956447.5628b27c38ace.jpg
Tranh minh họa của họa sĩ Ivan Belikov

3. Trở thành biểu tượng quốc gia

pic%5CT%5CR%5CTrident_on_brick_in_Church_of_the_Tithes.jpg
Biểu tượng đinh ba tại nhà thờ Tithes (encyclopediaofukraine.com)

Biểu tượng đinh ba Tryzub không những xuất hiện trên những đồng xu, mà còn được trang trí trên các khối đá tại các nhà thờ, lâu đài và cung điện tại Ukraina. Dấu vết cổ xưa nhất là ở nhà thờ Tithes (986-996) tại Kiev. Nó còn được trang trí trên đồ gốm sứ, vũ khí, nhẫn, huy chương, con dấu và văn bản. Vì được sử dụng rộng rãi tại Kiev Rus’ nên mặc dù được phát triển theo nhiều hướng nhưng nó vẫn không mất đi cấu trúc căn bản ban đầu. Có hơn 200 biến thể của biểu tượng Tryzub đã được phát hiện trong thời Trung cổ. Tại các nhà thờ Ukraina cây đinh ba thường được gắn kèm với một cây Thánh giá, các tổ chức quốc gia có biểu tượng là cây đinh ba và thanh kiếm.

Hrushevskyi_Mykhailo_XX.jpg
Sử gia Mykhailo Hrushevsky (wikipedia.org)

Tuy vậy Tryzub không được xem là biểu tượng quốc gia của Ukraina đến tận năm 1917, khi một trong những sử gia kiệt xuất nhất Ukraina là Mykhailo Hrushevsky đề xuất việc chọn Tryzub là biểu tượng quốc gia chính thức của Ukraina và 1 năm sau đó nó trở thành quốc huy của nước Cộng hòa nhân dân Ukraina.

Mykhailo Hrushevsky là một học giả, chính trị gia, sử gia và chính khách, một trong những nhân vật quan trọng nhất của sự hồi sinh quốc gia Ukraina vào đầu thế kỷ 20. Ông là nhà sử học hiện đại vĩ đại nhất của đất nước, lãnh đạo của phong trào quốc gia trước thời kỳ Cách mạng Ukraina, người đứng đầu Quốc hội và một nhân vật văn hóa hàng đầu của Cộng hòa nhân dân Ukraina trong những năm 1920.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Ukraina trở thành nhà nước độc lập và từ bỏ biểu tượng búa liềm của chủ nghĩa Cộng sản để quay về với biểu tượng Tryzub thiêng liêng và đáng tự hào của dân tộc đến tận ngày nay.

383px-Coat_of_Arms_of_UNR.jpg
Quốc huy của Cộng hòa nhân dân Ukraina năm 1918 (wikipedia.org)

Nguồn:

https://vi.wikipedia.org/wiki/Ukraina

https://en.wikipedia.org/wiki/Coat_of_arms_of_Ukraine

https://en.wikipedia.org/wiki/Gyrfalcon

http://www.seiyaku.com/customs/crosses/tryzub.html

https://en.wikipedia.org/wiki/Mykhailo_Hrushevsky

http://proridne.net/Українська%20міфологія/Сокіл-Род.html

 

Bình luận về bài viết này