Myanmar: Chim công xanh

Sự ảnh hưởng của loài chim công xanh bắt nguồn từ quá khứ xa xưa, nhưng đến ngày nay vẫn còn rất mạnh mẽ và quan trọng trong tôn giáo, văn hóa, lịch sử và chính trị của đất nước Myanmar.

physical-location-map-of-burma.jpg
(maphill.com)

Myanmar hay còn gọi là Burma thuộc khu vực Đông Nam Á, Tây Bắc bán đảo Trung-Ấn. Sự đa dạng chủng tộc dân cư ở Myanmar đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định chính trị, lịch sử và nhân khẩu học của quốc gia này thời hiện đại. Từng là một nước thuộc địa bên trong Đế quốc Anh cho tới tận năm 1948, Myanmar tiếp tục đấu tranh cải thiện những căng thẳng sắc tộc, và vượt qua những cuộc đảo chính. Nền văn hóa nước này bị ảnh hưởng nhiều từ các nước xung quanh, dựa trên một hình thức Phật giáo duy nhất có hòa trộn các yếu tố địa phương.

Anawrahta_at_National_museum.JPG
Vua Anawrahta, người đầu tiên thống nhất Myanmar (wikipedia.org)

Người Miến di cư tới thượng lưu châu thổ sông Irrawaddy đầu thế kỷ thứ 9 từ vương quốc Nam Chiếu. Họ đã thành lập vương quốc Pagan, vương quốc này lần đầu tiên đã thống nhất được vùng châu thổ Irrawaddy và bình định được các vùng ngoại biên. Trong thời vua Anawrahta trị vì (1044-1077), người Miến đã mở rộng ảnh hưởng ra khắp Myanmar hiện nay. Tới thập niên 1100, nhiều vùng lớn thuộc lục địa Đông Nam Á đã thuộc quyền kiểm soát của vương quốc Pagan,thường được gọi là Đế chế Myanmar I, với kinh đô tại Mandalay.

Vua Anawrahta được xem là vị vua quan trọng nhất lịch sử Myanmar. Lịch sử thành văn của Myanmar chỉ chính thức bắt đầu từ khi ông lên ngôi vào năm 1044. Ông đã thực hiện một loạt cải cách xã hội, tín ngưỡng và kinh tế quan trọng để lại những tác động lâu dài tới lịch sử Myanmar và phát triển thành văn hóa Myanmar hiện đại. Di sản của Anawrahta đã vượt ra ngoài cả biên giới Myanmar hiện đại. Việc ông hậu thuẫn Phật giáo Tiểu thừa và việc ông ngăn chặn thành công sự mở rộng về phía Tây của đế quốc Khmer, một nhà nước theo đạo Hindu, đã giúp cho tông Phật giáo này có được chỗ dựa an toàn và phát triển trong những thế kỷ sau này tại Đông Nam Á.

Burma_Diplo.jpg
Vua Anawrahta (civilization-v-customisation.wikia.com)
Bayinnaung
Vua Bayinnaung, người mở rộng Myanmar thành đế chế lớn nhất lịch sử Đông Nam Á (wikipedia.org)

Sau sự sụp đổ của triều đại Pagan năm 1287 bởi quân xâm lược Mông Cổ, vương quốc này bị chia nhỏ thành các vương quốc Ava, Hanthawaddy, Arakan và Shan. Những người Myanmar đã phải chạy trốn khỏi Ava thành lập Vương quốc Toungoo năm 1531 tại Toungoo, đây được gọi là Đế chế Myanmar II. Vua Bayinnaung triều Toungoo đã mở rộng đế chế bằng cách chinh phục hàng loạt các vùng lãnh thổ, tạo thành đế chế lớn nhất trong lịch sử Đông Nam Á, tuy chỉ tồn tại trong 1 giai đoạn ngắn ngủi. Các vua Toungoo đã đưa ra các cải cách về hệ thống hành chính và kinh tế, điều này đã đưa đến giai đoạn ổn định, thái bình, và thịnh vượng cho vương quốc vào thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18. Những cuộc nổi loạn bên trong cũng như sự thiếu hụt các nguồn tài nguyên cần thiết để kiểm soát các vùng mới giành được dẫn tới sự sụp đổ của Vương quốc Taungoo.

220px-Alaungpaya.JPG
Vua Alaungpaya, người khôi phục lại vương quốc và mở ra thời kỳ văn hiến bậc nhất (wikipedia.org)

Vua Alaungpaya thành lập nên Triều đại Konbaung và Đế chế Myanmar III vào khoảng thập niên 1700, khôi phục lại vương quốc, tiếp tục những cải cách của triều Toungoo, điều này mang lại quyền lực thống trị với các vùng lãnh thổ xung quanh, và đã sản sinh ra nhà nước văn hiến bậc nhất tại Đông Nam Á. Vương triều Konbaung trong quá trình phát triển đã gây chiến với tất cả các nước láng giềng. Cuối cùng vương quốc bị biến thành thuộc địa của Đế quốc Anh sau 60 năm xung đột. Thực dân Anh đã cố tình đưa ra những khác biệt giữa các nhóm tộc người nhằm gây chia rẽ, chính vì thế kể từ sau khi độc lập năm 1948 đã rơi vào cuộc nội chiến dai dẳng nhất mà đến nơi vẫn chưa hòa giải hết được.

Biểu tượng hoàng gia của các triều đại phong kiến tại Myanmar cũng chính là biểu tượng của quốc gia này: loài chim công xanh.

512px-Flag_of_the_Alaungpaya_Dynasty_of_Myanmar.jpg
Lá cờ của Đế chế Myanmar III dưới triều đại Konbaung (wikipedia.org)

1. Hình tượng chim công xanh 

Chim công xanh phân bố rộng rãi tại khu vực Đông Nam Á, môi trường tự nhiên ưa thích của chúng bao gồm các khu rừng nhiệt đới, cận nhiệt đới nguyên sinh và thứ sinh, những khu rừng lá rụng, rừng tre nứa, thảo nguyên, vùng cây bụi và cả những khu vực canh tác của con người.

Green_Peafowl,_Hanoi.jpg
Chim công xanh (worldatlas.com)

Chiều dài cơ thể của chim công xanh trống trưởng thành có thể đạt tới 3 m bao gồm cả phần đuôi dài từ 1,4-1,6 m và cân nặng khoảng 4-5 kg. Bộ lông chiếm tới 60% tổng trọng lượng cơ thể của một con chim công. Sải cánh của loài chim này có thể lên tới 1,5m. Đây là một trong những loài chim lớn nhất trên thế giới. Khác với nhiều loài chim họ Trĩ, chim công bay rất tốt và có thể bay liên tục.

Green_Peafowl_Pavo_muticus_Manipur_by_Raju_Kasambe..jpg
Riêng bộ lông đã chiếm 60% trọng lượng cơ thể loài công (sohu.com)

Loài chim này cũng nổi tiếng với bộ lông đuôi tuyệt đẹp và những vũ điệu tán tỉnh kỳ thú. Chim trống khi trưởng thành có bộ lông màu xanh lục ánh thép, có sự kết hợp của nhiều gam màu nổi bật như xanh lá cây, xanh lục bảo, xanh da trời, đen, vàng, tím… Phần đuôi dài có thể xòe rộng thành hình cánh quạt để phô ra những ‘con mắt’ rất đẹp. Bộ lông đuôi của chim công đực đẹp đẽ và rực rỡ nhất khi nó được 5-6 tuổi. Chim công đực xòe đuôi để thu hút chim công cái và giao phối. Khi cảm thấy bị đe dọa bởi các con thú săn mồi, những con chim công đực cũng xòe đuôi để trông chúng to lớn hơn và đáng sợ hơn.

800px-Peacock_Wooing_Peahen.jpg
Vũ điệu tán tỉnh của chim trống (hafoi.com)
9af2b4cac6da152d206268217d19268d.jpg
Cựa được chim trống sử dụng để chiến đấu với những con trống khác (pinterest.com)

Công là loài động vật ăn tạp. Chúng ăn nhiều loại thực vật, trái cây, cánh hoa, các loại hạt, ngũ cốc, côn trùng, bò sát, lưỡng cư và động vật có vú nhỏ. Thậm chí chúng còn có thể săn bắt và ăn thịt cả nhiều loài rắn độc.

Công thích sống ở rừng thưa, đặc biệt chỗ cây bụi và trảng cỏ rậm rạp, có nhiều cây gỗ lớn. Chúng được cho là tồn tại chế độ đa thê, tuy nhiên những con chim trống lại thường sinh sống đơn độc và bảo vệ những con chim mái trong khu vực lãnh thổ của mình trước những con trống khác chứ không thực sự ghép đôi hoặc sinh sống thành đàn.

Do tình trạng săn bắt bừa bãi và sự biến mất của những khu vực sinh sống cho nên loài chim này đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng cao.

2. Chim công trong Phật giáo

paon2_web_by_aktn-d812c9z.jpg
Chim công vs. rắn độc (aktn.deviantart.com)

Ngoài vẻ đẹp lộng lẫy và rực rỡ, loài chim công còn có ý nghĩa rất quan trọng trong Phật giáo, tôn giáo chính tại Myanmar. Chim công tượng trưng cho sự thanh lọc và trong sạch trong truyền thống Phật giáo với một thực tế rằng chúng có khả năng các loại thực vật và động vật chứa độc tố. Không những không làm hại được chúng, các chất độc này chỉ càng làm màu sắc bộ lông của chim công ngày càng rực rỡ hơn.

Sự thật này tương đồng với Khổng tước Minh Vương trong thần thoại Phật giáo (Khổng tước: con công. Minh: sáng. Vương: vua). Theo Phật Học Từ Điển, Minh Vương là chỉ những vị Tôn giả hầu cận Đức Phật Thích Ca, thọ giáo lệnh của Đức Phật, hiện thân hàng phục bọn ác ma. Tuy là người hầu cận, nhưng các Tôn giả cầm giữ giáo lệnh này đầy quyền uy, trí tuệ và oai đức. Họ ủng hộ các nhà tu hành, đánh phá hết thảy các ma chướng, tuy gần ma giới nhiều nhưng không hề bị vẩn đục, cũng giống như loài công không bị các loại độc tố thâm nhập vậy.

Theo Phong Thần Nội Truyện, loài khổng tước này hiện thân xuống cõi trần là Khổng Tuyên, làm tướng cho vua Trụ, trấn giữ ải Tam Sơn, được vua Trụ sai đem binh đi đánh Khương Tử Nha. Khổng Tuyên có 5 đạo hào quang ngũ sắc rất mạnh mẽ, có thể thu được các bửu bối Tiên gia và bắt các tướng dễ dàng.

e747d94c26cfe9abe95099ead4ea8256.jpg
Tướng quân Khổng Tuyên (linban.com)

Các tướng của Khương Tử Nha không ai đánh lại Khổng Tuyên, vì không có cách nào khắc chế đạo hào quang ngũ sắc của Khổng Tuyên. Phải chờ Đức Chuẩn Đề Bồ Tát ở Tây phương đến mới thu phục được Khổng Tuyên, bắt hiện nguyên hình là một con công, mình mẩy đỏ tươi cao lớn phi thường, gọi là Châu Khổng Tước. Kể từ đó về sau, Đức Chuẩn Đề Bồ Tát xuất du đều cỡi lên chim Khổng Tước này. 

佛母大孔雀明王a.jpg
Bồ tát Chuẩn Đề cưỡi Khổng Tước (blog.sina.com.cn)

Khổng Tước Minh Vương còn được xưng là Phật Mẫu vì truyền thuyết nhà Phật kể rằng, đại bàng Kim Sí Điểu và Khổng Tước là 2 thần điểu có sức mạnh khai thiên lập quốc được sinh ra từ Phượng Hoàng. Nghe đồn qua suốt mấy ngàn năm ngày đêm tu hành, Khổng Tước khổ luyện thành phép Ngũ sắc thần quang. Toàn thân Khổng Tước rực lửa cháy, chỉ cần đến gần là tan tành, là loài dã thú kiêu hãnh nên hay tác oai tác oái, thảm sát sinh linh, tính tình hung ác. Khi Đức Phật Thích Ca đắc đạo, Khổng Tước nuốt Đức Phật vào trong bụng. Phật tổ định lấy tính mạng của Khổng Tước để giúp chúng sanh nhưng các vị tiên nói nếu Phật tổ giết Khổng Tước thì chẳng khác nào giết cha mẹ của mình. Sau đó lưng của Khổng Tước Minh Vương nứt ra, Đức Phật Thích Ca hiện ra ngồi trên lưng của Khổng Tước, vết nứt liền lại, vì vậy Khổng Tước được xưng là Phật Mẫu Đại Khổng Tước Minh Vương Bồ Tát.

buddha-wallpapers-photos-pictures-peacock.jpg
Loài chim được ví như mẹ của Phật Thích Ca (pinterest.com)

Hơn nữa, bộ lông đuôi của chim công còn là biểu tượng của sự hoàn chỉnhhợp nhất của Phật giáo cũng như sự tồn tại ngắn ngủi của tất cả mọi thứ trên thế gian, vì khi loài công xòe bộ lông đuôi ra, nó kết hợp tất cả màu sắc tạo thành một thể thống nhất, nhưng mọi thứ lại biến mất nhanh chóng khi nó xếp chúng lại. Những ‘con mắt’ trên bộ lông đó còn tượng trưng cho sự quan sát thế gian một cách từ bi của Phật giáo.

Người Myanmar còn có một điệu múa truyền thống phỏng theo loài công vào ngày lễ Ok Phansa (ngày cuối cùng của tuần chay Phật giáo) để chào mừng Đức Phật từ cõi cực lạc trở lại thế gian. Điệu múa được thể hiện trong các bộ trang phục sặc sỡ và phức tạp, bắt chước các động tác thường thấy của loài công, nổi bật nhất là động tác xòe và rung bộ lông đuôi rực rỡ.

130225-Precious-Picturesque-and-Political-The-Significance-of-the-Peacock-for-Myanmar-03.jpg
Điệu múa chim công truyền thống của người Myanmar (myanmarrivercruises.net)

3. Trở thành biểu tượng quốc gia

Trong lịch sử Myanmar, tầm quan trọng của loài công bắt nguồn từ một quá khứ phức tạp cũng giống như bộ lông tuyệt đẹp của chúng. Hình ảnh một con công xanh xòe đuôi đã được sử dụng làm biểu tượng của chế độ phong kiến tại Myanmar, được khắc họa trên quốc kỳ và đồng tiền của vương triều Konbaung. Loài công được chọn bởi vì chúng tượng trưng cho niềm tin rằng vua chúa Myanmar là những hậu duệ của Mặt trời. Thật vậy, mặt trời gắn liền với loài công theo nhiều cách. Người ta còn tin rằng loài công liên quan đến nạn hạn hán gây ra bởi mặt trời, và hiến tế chim công là một cách cầu mưa, cầu cho mùa màng bội thu và cũng như cầu cho khả năng sinh sản của con người.

6QzASb58xR9c2qGnK47eXi7DyFq5S3.jpg
Chim công trên đồng tiền Kyat (cointalk.com)

Với tầm ảnh hưởng quan trọng trong Phật giáo và nền quân chủ phong kiến, loài công hẳn nhiên trở thành một biểu tượng nổi bật trên rất nhiều các lá cờ của Myanmar. Ngoài quốc kỳ của Đế chế Myanmar III, chúng còn được thể hiện trong thời kỳ thuộc địa Anh trên lá cờ của thống đốc và hải quân ,cũng như trên lá cờ của Nhà nước Myanmar từ năm 1943-1945.

Flag_of_British_Burma_(1937)
Quốc kỳ Myanmar trong thời kỳ thuộc Anh (wikipedia.org)
1024px-Flag_of_the_State_of_Burma_(1943-45)
Quốc kỳ của Nhà nước Myanmar (wikipedia.org)

Hình ảnh loài công thậm chí còn được sử dụng làm lá cờ của phong trào dân chủ của sinh viên Myanmar năm 1988, nhưng thời điểm này đã tiến hóa thành một chú công nổi giận trong tư thế chiến đấu, thể hiện tinh thần tự do đấu tranh chống chế độ độc tài của quân đội.

aung-san-suu-kyi-has-won-myanmars-historic-election-ending-decades-of-military-rule.jpg
Bà Aung San Suu Kyi (emaze.com)

Hình ảnh con công chiến đấu này cũng đã được Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (National League for Democracy) lãnh đạo bởi bà Aung San Suu Kyi sử dụng để tôn vinh những sinh viên biểu tình chống lại chính phủ năm 1988.

Hình ảnh này ngày nay thể hiện cho những thập kỷ đấu tranh chống lại chế độ độc tài quân sự và giành lấy sự tự do dân chủ ngày nay tại Myanmar. Ngày 30/3/2016, ông Htin Kyaw, một người đồng minh thân cận của bà Aung San Suu Kyi đã được bầu làm tổng thống dân sự (không có nguồn gốc từ quân đội) đầu tiên của Myanmar, chấm dứt gần 50 năm đất nước Myanmar nằm dưới sự cai trị của quân đội.

Co.jpg
Lá cờ của Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ (wikipedia.org)

Nguồn:

https://vi.wikipedia.org/wiki/Myanmar

https://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%8Bch_s%E1%BB%AD_Myanmar

https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_l%E1%BB%A5c_Java

https://en.wikipedia.org/wiki/Flag_of_Myanmar

http://khoahoc.tv/loai-chim-cong-va-nhung-kham-pha-gay-kich-thich-nhat-67257

http://www.myanmarburma.com/attraction/94/national-symbols-of-myanmar-burma

http://www.myanmarburma.com/blog/347/precious-picturesque-and-political-the-significance-of-the-peacock-for-myanmar-burma

http://tamlinhhuyenbi.net/threads/v%C3%AC-sao-l%E1%BA%A1i-l%C3%A0-ph%E1%BA%ADt-m%E1%BA%ABu-kh%E1%BB%95ng-t%C6%B0%E1%BB%9Bc.1412/