Ba Lan: Đôi cánh đại bàng trắng

Tại Ba Lan, đôi cánh chim đại bàng trắng là tối thượng, là bất tử. Nó gợi nhớ về huyền thoại ngày đầu tiên người Ba Lan lập quốc, về lịch sử hào hùng khi họ hồi sinh lại đất nước. Nó còn là niềm tự hào bất diệt của họ khi những kỵ binh Hussar tung đôi cánh đại bàng dũng mãnh trên chiến trường.

physical-location-map-of-poland-highlighted-continent.jpg
(maphill.com)
MieszkoDagome.jpg
Bá tước Mieszko I (wikipedia.org)

Lịch sử Ba Lan bắt đầu với cuộc di cư của người Slav vốn đã dẫn tới sự ra đời của các nhà nước Ba Lan đầu tiên vào đầu Trung cổ. Quốc gia Ba Lan thống nhất đầu tiên được thành lập từ khoảng giữa thế kỷ thứ 10 dưới thời triều đại Piast với nhà cai trị Ba Lan đầu tiên được ghi chép trong lịch sử là Bá tước Mieszko I. Ông coi là người cha lập quốc của Ba Lan và cũng đóng vai trò truyền bá Công giáo ở Ba Lan sau khi cải đạo vào năm 966.

Ở thế kỷ 12, Ba Lan bị phân chia thành nhiều quốc gia nhỏ hơn, các quốc gia này sau đó đã bị các đội quân Mông Cổ tàn phá. Năm 1320 Władysław I trở thành vua nước Ba Lan mới tái thống nhất. Con trai ông, Kazimierz III (Casimir III the Great) (1333–1370), là vị vua cuối cùng của triều đại Piast. ông được xem là vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử của Ba Lan. Ông đã chấn chỉnh lại nền kinh tế, giáo dục, pháp luật, quốc phòng của Ba Lan, cho xây dựng rất nhiều công trình mới và tăng gấp đôi diện tích lãnh thổ của đất nước. Ông còn ban phát các đặc ân và bảo hộ người Do Thái, khuyến khích họ kéo đến định cư ở Ba Lan.

Casimir_III_(Civ5).jpg
Casimir III Đại đế (civilization.wikia.com)
170px-Great_Chorąży_of_the_Polish_Crown
Sebastian Sobieski, người mang lá cờ hợp nhất 2 huy hiệu của Ba Lan và Lithuania (wikipedia.org)

Ba Lan đạt tới thời kỳ hoàng kim ở gần cuối thế kỷ 16, khi liên minh với nước láng giềng Lithuania lập ra Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Lithuania, trở thành một trong những nước lớn nhất, giàu nhất và mạnh nhất Châu Âu. Từ thời ấy, người Ba Lan đã coi tự do là giá trị quan trọng nhất của họ, họ thường tự gọi mình là ‘quốc gia của những người tự do’.

Năm 1795, Ba Lan tạm thời chấm dứt sự tồn tại của mình trên bản đồ Thế giới sau khi bị phân chia bởi các nước láng giềng là Nga, ÁoPhổ. Những người Ba Lan tự do đã nhiều lần đứng lên chống lại những kẻ xâm lược. Họ tìm thấy hy vọng ở Hoàng đế Pháp Napoléon Bonaparte khi ông tái lập quốc gia Ba Lan dưới tên Lãnh địa Warszawa. Nhưng sau các cuộc chiến tranh Napoléon, Ba Lan một lần nữa lại bị phân chia bởi Đồng Minh và cuối cùng đã bị thu tóm bởi các Sa hoàng Nga.

c539b169009c5aa872029c1e74bff1cb.jpg
Quân đội Ba Lan vẫn nuôi hy vọng phục quốc với sự giúp đỡ của Hoàng đế Napoleon (123coolpictures.com)

Trong Chiến tranh thế giới I tất cả các nước Đồng Minh đồng ý việc phục hồi quốc gia Ba Lan. Năm 1918, Ba Lan tái giành độc lập trở thành nền Cộng hòa Ba Lan II. Nước này tái khẳng định sự độc lập của mình sau một loạt các cuộc xung đột quân sự, nổi tiếng nhất là cuộc Chiến tranh Ba Lan-Xô viết 1919-1921, kết thúc với việc Ba Lan lại chiếm đóng vùng Tây Ukraina và Tây Belarus.

Chiến tranh thế giới II nổ ra năm 1939, Phát xít Đức và Liên bang Xô viết cùng tấn công Ba Lan ngày 17/9 và nước này bị chia cắt thành 2 vùng, vùng phía Tây thuộc quyền kiểm soát của Đức Phát xít, còn vùng phía Đông (những lãnh thổ mà Ba Lan chiếm từ Liên Xô vào năm 1921) được trao trả cho Liên Xô. Trong số tất cả các quốc gia liên quan tới cuộc chiến, Ba Lan có phần trăm thiệt hại nhân mạng cao nhất: hơn 6 triệu người chết, một nửa trong số đó là người Ba Lan Do Thái. Khi kết thúc chiến tranh, nước Ba Lan mới xuất hiện nhỏ hơn trước 20%, việc sửa đổi biên giới đã buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Hậu quả của Thế chiến II là Ba Lan lần đầu tiên trong lịch sử đa văn hóa của họ, trở thành một đất nước gần như thuần chủng về chủng tộc, do các chiến dịch trục xuất, đàn áp và di cư sau chiến tranh.

Polish Cavalry in the 1930s
Kỵ binh Ba Lan trong Thế chiến II (tumblr.com)

Sau Chiến tranh thế giới II, Ba Lan trở thành một quốc gia vệ tinh đi theo chủ nghĩa cộng sản của Liên bang xô viết năm 1956, tương tự với đa phần còn lại của Khối Đông Âu. Vào những năm 1980, tổ chức Công đoàn Đoàn kết đã đóng vai trò lớn cho sự dịch chuyển hòa bình từ nhà nước Cộng sản thành một quốc gia tư bản thị trường và một nền dân chủ mới. Nó là tiền đề thành công cho sự ra đời của Ba Lan ngày nay, còn được biết tới là Đệ tam Cộng hòa Ba Lan, thành lập năm 1989.

Quốc huy và biểu tượng quốc gia của Ba Lan là hình ảnh một con đại bàng trắng mỏ và móng vuốt vàng, đầu đội vương miện vàng, trên một tấm khiên đỏ. Biểu tượng này bắt nguồn từ huyền thoại lập quốc của dân tộc Ba Lan.

800px-Herb_Polski.svg.png
Quốc huy Ba Lan ngày nay (wikipedia.org)

1. Huyền thoại lập quốc của người Slav

Đại bàng trắng đã là huy hiệu của Ba Lan trong hơn 7 thế kỷ và là một trong những huy hiệu lâu đời nhất thế giới. Có rất ít những quốc gia có thể bảo tồn huy hiệu của mình trong một thời gian dài như vậy.

Theo truyền thuyết, huy hiệu đại bàng trắng bắt nguồn từ huyền tích sáng lập ra đất nước Ba Lan từ người anh hùng Lech. Câu chuyện kể rằng, vào thế kỷ thứ 6 có 3 người anh em du hành qua vùng đất Đông Âu, hướng về phía Tây, lãnh thổ Ba Lan ngày nay. 3 người họ lần lượt tên là Lech (người sáng lập Ba Lan), Czech (người sáng lập Cộng hòa Czech) và Rus (người sáng lập ra NgaUkraina). Họ là những vị lãnh đạo can đảm của dân tộc Slav, dẫn đầu một đoàn người gồm những chiến binh trung thành ở phía trước, phụ nữ và trẻ em di chuyển trên những cỗ xe theo sau. Họ rời bỏ quê hương chung đã quá đông đúc và đi tìm những vùng đất mới để an cư lập nghiệp. Tất cả bọn họ đều rất mệt mỏi vì phải di chuyển trong một quãng thời gian dài đằng đẵng mà vẫn chưa tìm được vùng đất ưng ý.

polish_legends-lech-czech-rus1.jpg
3 anh em Lech, Czech và Rus (slavorum.org)

Một ngày nọ, khi ngày bắt đầu tàn, bộ tộc Slav đến được một cánh đồng mênh mông trong rừng. Ở đó, giữa những ngọn cỏ cao lớn, là một cây sồi khổng lồ. Và trên những cành cây sồi đó là một tổ chim đầy những chú chim đại bàng trắng. Lech, một trong 3 người anh em, bắt đầu cảm thấy thật sự thích nơi này. Anh tự nhủ rằng mình chưa bao giờ nhìn thấy được một cảnh vật hùng vĩ như vậy trước đây, và anh quyết định ở lại đây cùng một nhóm người trong bộ tộc. Khi Lech tiến lại cây sồi, thì bất ngờ một chú chim đại bàng trắng to lớn bay ra khỏi tổ.

gniezno1.jpg
Chú chim đại bàng trắng trên nền trời đỏ (emaze.com)

Con chim đại bàng bay cao lên trời và dang rộng đôi cánh, ánh mặt trời của buổi hoàng hôn đỏ rực ánh lên đằng sau chú chim, làm bật lên bộ lông màu trắng tuyệt đẹp của nó. Sững sờ trước khung cảnh đó, Lech cho đó là một điềm lành. Anh rất vui mừng và quyết định chọn nơi tổ chim đó làm nơi sinh sống của dân tộc mình, đồng thời đưa chú chim đại bàng trắng cao quý trên nền trời đỏ trở thành biểu tượng của đất nước. Lech còn đặt tên cho vùng đất đó là Gniezno, nghĩa là ‘tổ chim’ trong tiếng Ba Lan. Từ đó về sau, ngôi thành Gniezno này trở thành nơi phát triển của nền văn hóa Ba Lan còn huy hiệu đại bàng trắng trở thành một niềm tự hào của người Ba Lan trong phần còn lại của lịch sử đất nước.

Thành phố Gniezno ngày nay thuộc tỉnh Wielkopolskie (Greater Poland), ở phía Tây miền Trung Ba Lan, và được xem là thủ đô đầu tiên trong lịch sử Ba Lan. Các cuộc khai quật khảo cổ đã khẳng định rằng đã từng có một thành trì của người Slav định cư tại đây cùng với một khu vực thờ phụng nằm trên một ngọn đồi mang tên Lech’s Hill, ngọn đồi của Lech.

573b065471f6f.jpg
Lech’s Hill tại thành phố Gniezno ngày nay (quiz.biz)

Kể từ đó, hậu duệ của Lech trở thành những người Ba Lan, và Gniezno trở thành thủ đô đầu tiên của họ. Còn 2 người anh em, Czech và Rus, quyết định tiếp tục đi và tìm nơi khác định cư. Czech đi về hướng Nam và tìm thấy những vùng đất màu mỡ (câu chuyện này ở Czech kể rằng vùng đất đó là ngọn núi Rip ở vùng bình nguyên miền Trung Bohemia). Còn Rus tiến về những thảo nguyên bao la ở phương Đông, xứ sở của những cơn gió tự do. Cuối cùng họ lập thành 2 quốc gia láng giềng với Ba Lan: Cộng hòa Czech ở hướng Nam và Nga ở hướng Đông. Câu chuyện này trở thành một ví dụ đẹp về nguồn gốc chung của các đất nước thuộc dân tộc Slav ngày nay.

1200px-Ctiněves,_Říp_a_obec.jpg
Ngọn núi Rip ở Cộng hòa Czech ngày nay (ceskakultura.net)

Tại thành phố Rogalin, cũng thuộc tỉnh Wielkopolskie, có 3 cây sồi lớn nằm trong khu vườn gần lâu đài Rogalin xây vào thế kỷ 18 được đặt tên là Lech, Czech và Rus. Cả 3 cây đều đã được vài trăm tuổi, là một phần cảnh quan của công viên Rogalin và là một di tích tự nhiên được chính phủ Ba Lan bảo vệ.

800px-RogalinOaks.jpg
3 cây sồi Lech, Czech và Rus (wikipedia.org)

2. Trở thành biểu tượng quốc gia

bolesc582aw-chrobry.jpg
Boleslaw I Đại đế (pinsdaddy.com)

Biểu tượng chim đại bàng lần đầu tiên được sử dụng như biểu tượng quốc gia là vào thời trị vì của Boleslaw I Đại đế (992-1025) nhà Piast, con trai của Bá tước Mieszko I, vị vua chính thức đầu tiên của Ba Lan.

Bolesław I là một nhà chính trị, chiến lược và cai trị vĩ đại, được xem là vị vua nhà Piast có năng lực và thành công nhất của Ba Lan. Ông đã biến Ba Lan trở thành một cường quốc hàng đầu châu Âu và ban hành đơn vị tiền tệ Ba Lan đầu tiên, đồng grzywna, và cho đúc những đồng tiền xu đầu tiên của riêng mình vào khoảng năm 1000. Trên những đồng tiền này có thể thấy rõ hình ảnh con chim lần đầu tiên được sử dụng như biểu tượng đầu tiên của quốc gia.

Denar_rys_chrobry1.png
Đồng xu dưới triều Bolesław I (wikipedia.org)
tải xuống.jpg
Đồng xu đại bàng dưới thời vua Stefan Batory (wikipedia.org)

Vào đầu thế kỷ 12, hình ảnh đại bàng đã có mặt trên khắp các tấm khiên, cờ hiệu, đồng xu và con dấu của các quý tộc nhà Piast. Đó là huy hiệu của cá nhân và cả gia tộc, đồng thời là tượng trưng cho địa vị của họ. Chim đại bàng, vua của các loài chim, là biểu tượng nguyên thủy của quyền lực, chiến thắng, sức mạnhvương quyền.

Hình ảnh của huy hiệu đại bàng đã thay đổi rất nhiều qua hàng thế kỷ. Hình ảnh ngày nay của nó được chấp nhận vào năm 1927, thiết kế bởi giáo sư Zygmunt Kaminski và được dựa trên huy hiệu đại bàng dưới thời vị vua vĩ đại Stefan Batory.

Ngay cả khi Ba Lan bị xâm lược và biến mất khỏi bản đồ Thế giới, huy hiệu đại bàng vẫn còn đó tại vùng đất này. Cho đến ngày Cộng hòa Ba Lan II tái độc lập sau Thế chiến I, quốc huy chính thức của đất nước vẫn là hình ảnh chú chim oai vệ.

800px-Godło_II_Rzeczypospolitej.jpg
Thiết kế quốc huy của giáo sư Zygmunt Kaminski 1927 (wikipedia.org)

Sau Thế chiến II, chính quyền Cộng sản của Ba Lan tước bỏ chiếc vương miện mà họ cho là ‘phản động’ trên đầu chim đại bàng. Tuy nhiên, Ba Lan vẫn là đất nước duy nhất tại Đông Âu không chấp nhận ảnh hưởng của những biểu tượng của chủ nghĩa Cộng sản như ngôi sao, cành lúa, cây búa v.v… trên quốc huy hay quốc kỳ của mình. Trên hết tất cả, tại Ba Lan, chim đại bàng trắng mà Lech trông thấy vào ngày lập quốc vẫn là biểu tượng cao quý nhất!

Coat_of_arms_of_Poland_(1955-1980).jpg
Quốc huy của nhà nước CỘng sản Cộng hòa Nhân dân Ba Lan năm 1955 (wikipedia.org)

3. Kỵ binh Hussar

9b67f95ad4b7d1ec7688748c2bd5ad01--polish-tattoos-polish-eagle-tattoo.jpg
Kỵ binh Hussar mang trên lưng đôi cánh của đại bàng trắng (pinterest.com)

Hình ảnh đôi cánh đại bàng trắng còn làm người ta nghĩ ngay đến một đạo quân bất khả chiến bại trên chiến trường vào thế kỷ 16-18, niềm tự hào bất diệt của dân tộc Ba Lan. Đó là những ‘kỵ binh có cánh’ Hussar của Ba Lan.

Khắp dải mặt trận miền Đông Châu Âu trong suốt 200 năm, họ bất bại trước mọi đối thủ kể cả quân Ottoman, kỵ binh Cossacks hay người Nga (Tatar). Đôi cánh trên lưng họ là một cảnh tượng kinh hoàng trên mọi chiến trường, với ngọn thương cực dài và trường kiếm nhọn, họ là những gì tinh túy nhất của những kỵ binh Châu Âu thời bấy giờ.

l1at5Jk.jpg
Kỵ binh Hussar (steemit.com)
pic%5CS%5CT%5CStephen Bathory.jpg
Vua Stephen Báthory (wikiwand.com)

Tiền thân của kỵ binh Hussar là một nhóm lính đánh thuê người Serbia và Hungari phục vụ như kỵ binh nhẹ trong quân đội Ba Lan vào đầu thế kỷ 16 và dần dần phát triển thành một đạo quân chính quy hùng mạnh người Ba Lan. Họ được trang bị thêm áo giáp dày hơn, giáo dài Koipa và đôi cánh để trở thành kỵ binh hạng nặng sau khi vị vua vĩ đại của Ba Lan Stefan Batory tái cơ cấu lại đội quân này. Không chỉ đặc biệt ấn tượng bởi đôi cánh khiến họ trông như một đạo quân từ thiên đường, đoàn kỵ binh này còn nổi tiếng với chiến thuật quân sự thông minh và dũng mãnh.Những bộ áo giáp sắt không chỉ là trang phục bảo vệ kỵ binh mà chúng còn là một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo lấn át tinh thần của kẻ thù. Đôi cánh làm từ những đoạn thép uốn cong, có gắn lông chim. Ban đầu, đôi cánh đại bàng chỉ là hình vẽ trên những huy hiệu của Ba Lan, nhưng rồi họ quyết định tạo nên đôi cánh đằng sau lưng bằng việc gắn lông ngỗng, đại bàng, đà điểu, thiên nga… lên một khung gỗ, rồi dần cải tiến thành bộ giáp hoàn chỉnh.

23239d3836bcc18ee3151769a965c623.jpg
Cận cảnh bộ giáp Hussar (pinterest.com)

Có nhiều giả thuyết được nêu ra nhằm lý giải về việc trang bị thêm đôi cánh cho đoàn kỵ binh này. Một số người cho rằng, đôi cánh làm bằng lông vũ và thép sẽ tạo nên những âm thanh chói tai, đặc biệt khi phi nước đại và làm cho họ trở nên to lớn hơn, khiến kẻ thù hoang mang, hoảng sợ. Một giả thuyết khác cho rằng đôi cánh sẽ giúp họ bảo vệ phần lưng tốt hơn trước kiếm và dây thòng lọng của quân Tatar.

Một điểm đặc biệt nữa trên bộ trang phục của kỵ binh Hussar đó chính là những tấm da báo được họ khoác trên cổ. Nhiều sử gia cho rằng, những con ngựa của đối phương vì không được rèn như ngựa của người Ba Lan sẽ bỏ chạy thục mạng khi ngửi thấy mùi da báo, vốn là thiên địch trong tự nhiên của chúng, nghĩa là không cần đánh, chỉ cần ngửi thôi kẻ địch cũng đã quay đầu bỏ chạy.

jkDqyxh
Bộ áo giáp có da báo và cánh đại bàng (imgrid.net)

Trên địa hình bằng phẳng, kỵ binh Hussar gần như bất bại. Không những thế đa số các cuộc chiến, quân số của đoàn kỵ binh này đều ít hơn đối thủ rất nhiều. Chiến công vĩ đại nhất của kỵ binh Hussar là trận đánh thành Vienna năm 1683. Hoàng đế Mehmed IV chỉ huy 200,000 quân Ottoman tiến đánh và bao vây thành Vienna, thành trì cuối cùng của thế giới phương Tây trước người Hồi Ottoman. Chính giáo hoàng Innocent XI đã gửi quân đội Ba Lan đến giải vây thành Vienna. Trong trận đánh, đích thân vua Ba Lan Jan III Sobieski chỉ huy 3,000 kỵ binh Hussar phá vỡ hàng ngũ quân Ottoman, đánh thẳng vào doanh trại người Thổ. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ, đội quân của người Thiên chúa giáo hoàn toàn thắng trận và giải vây được thành Vienna khỏi bàn tay của người Hồi giáo.

Vua Jan III Sobieski (1629-1696) sau đó cũng trở thành một trong những vị vua nổi tiếng nhất của Ba Lan. Ông được mệnh danh là ‘Hùng sư của dân Ba Lan’, và được Giáo hoàng xem là vị cứu tinh của các quốc gia Ki-tô giáo của châu Âu. Là một nhà chiến lược và nhà chính trị kiệt xuất, ông là vị Quốc vương vĩ đại cuối cùng trong lịch sử Ba Lan.

uec_va_sobieski_detail_matejko.jpg
Vua Jan III Sobieski trong trận chiến thành Vienna (uec.eu)

Nguồn:

https://vi.wikipedia.org/wiki/Ba_Lan

https://en.wikipedia.org/wiki/Coat_of_arms_of_Poland

https://en.wikipedia.org/wiki/Lech,_Czech,_and_Rus

https://rahowadirectory.com/kids/legend1.html

http://genk.vn/kham-pha/ky-iv-top-10-dao-ky-binh-manh-nhat-the-gioi-2013050710013379.chn

http://www.tin247.com/nhung_bo_canh_diem_dua_den_quai_dan_cua_chien_binh_thoi_xua-1-22399064.html

http://thoibao.today/paper/suc-manh-doi-ky-binh-co-canh-cua-ba-lan-la-day-1530161

https://vi.wikipedia.org/wiki/Jan_III_Sobieski

 

Một suy nghĩ 1 thoughts on “Ba Lan: Đôi cánh đại bàng trắng

Bình luận về bài viết này