Georgia: Thánh George

Nhắc tới Georgia là người ta nghĩ ngay tới thánh George, vị thánh, hiệp sĩ, anh hùng bảo trợ của đất nước này đại diện cho niềm tin Kitô giáo mãnh liệt người dân, và đôi khi còn được tôn kính hơn cả Chúa Jesus.

physical-location-map-of-georgia-territories-highlighted-country-entire-country.jpg
(maphill.com)
golden-fleece-jason-argonauts.jpg
Jason tìm ra bộ lông cừu vàng tại Colchis (ancient-origins.net)

Georgia nằm tại khu vực Kavkaz, điểm giao nhau giữa châu Âu và châu Á, có thủ đô và thành phố lớn nhất là Tbilisi. Trong thời kỳ cổ đại, một vài vương quốc độc lập được thành lập trên lãnh thổ Gruzia hiện nay. Trong đó có Colchis, là nơi mà theo thần thoại Hy Lạp, Jason và các anh hùng Argonaut tìm thấy Bộ lông cừu vàng.

Người Georgia tiếp nhận Kitô giáo vào đầu thế kỷ thứ 4, là một nhân tố quan trọng trong việc hình thành quốc gia Georgia thống nhất sau này, đồng thời cũng xác định nên bản sắc văn hóa của quốc gia cho tới hiện tại. Vương quốc Georgia thống nhất đạt đến đỉnh cao về chính trị và kinh tế trong thế kỷ 12 và đầu thế kỷ 13 dưới thời trị vì của vua David IV và cháu gái là Tamar, là ‘Thời kỳ Vàng son của Georgia’. Nữ hoàng Tamar là nữ quân vương đầu tiên của Georgia, trị vì trong 29 năm, được xem là thời kỳ thành công nhất của lịch sử Georgia. Bà được gọi là ‘vua của các vì vua’.

Georgia-leader.jpg
Nữ hoàng Tamar (civilization.com)

Sau đó, vương quốc suy yếu và cuối cùng tan rã và nằm dưới quyền thống trị của các thế lực trong khu vực, gồm Mông CổOttoman và Iran. Đến thế kỷ 19, một vài vương quốc trên lãnh thổ Georgia hoặc bị sáp nhập, hoặc bị chinh phục bởi đế quốc Nga. Sau Cách mạng Nga năm 1917, Georgia giành được độc lập trong thời gian ngắn ngủi, song lại bị nước Nga Xô viết xâm chiếm vào năm 1921, rồi sáp nhập vào Liên Xô với tư cách một nước Cộng hoà thành phần.

Georgia ly khai từ Liên Xô vào năm 1991. Trong các thập niên sau đó, Georgia phải trải qua xung đội nội bộ, các cuộc chiến ly khai tại Abkhazia và Nam Ossetia, và cả khủng hoảng kinh tế. Sau Cách mạng Hoa hồng năm 2003, Georgia theo đuổi chính sách ngoại giao thân phương Tây mạnh mẽ, cũng như tiến hành một loạt các cải cách dân chủ và kinh tế giúp củng cố thể chế nhà nước. Định hướng phương Tây của Georgia nhanh chóng khiến quan hệ với Nga xấu đi, đỉnh điểm là Chiến tranh Nga-Georgia vào tháng 8/2008 và tranh chấp lãnh thổ hiện tại với Nga.

Biểu tượng quốc gia của George xuất hiện trên cả quốc kỳ và quốc huy nước này là thánh George, một vị thánh/hiệp sĩ nổi tiếng và được thờ phụng rộng rãi trong Kitô giáo, cũng là vị thánh bảo trợ chính thức của đất nước này. Có nhiều ý kiến nhầm lẫn cho rằng tên nước Georgia là được đặt theo tên của thánh George, nhưng thật ra Georgia là một cách tiếng Anh hóa từ ‘Gurğān’, trong tiếng Ba Tư có nghĩa là ‘chó sói’, vì tính cách hung hãn và anh hùng của những dân tộc tại đây, và vì thế Georgia thật ra có nghĩa là ‘vùng đất của loài sói’.

197px-Lesser_coat_of_arms_of_Georgia.jpg
Quốc huy Georia ngày nay (wikipedia.org)

1. Thánh George và con rồng

170px-Icon8.jpg
Hình ảnh thánh George của Đế chế Byzantine (ok.ru)

Thánh George, theo truyền thống, là một người lính La Mã dũng cảm sinh ra tại Cappadocia, Syria ngày nay, phục vụ trong đội cảnh vệ của Hoàng đế La Mã Diocletianus tại Palestine. Ông được tôn kính như một vị thánh tử vì đạo Kitô giáo. Thánh George là một trong những vị Thánh được sùng kính nhất trong Công giáo La Mã, Anh giáo lẫn Chính thống giáo phương Đông, đặc biệt là bởi những người lính Thập tự chinh. Ông được bất tử hóa trong câu chuyện Thánh George và con rồng và là một trong 14 vị Thánh trợ giúp chống lại các loại bệnh tật. Lễ kính của ông được cử hành vào ngày 23/4, cũng là ngày mất của ông. Thánh George được xem là một trong những vị Thánh quân sự nổi bật nhất, rất nhiều các quốc gia, thành phố, ngành nghề và tổ chức coi thánh George là vị thánh bảo trợ của mình.

Truyền thuyết về thánh George và con rồng được tìm thấy sớm nhất trong một đoạn văn tiếng Georgia vào thế kỷ thứ 11, được những người lính Thập tự chinh mang về từ phương Đông, là một trong nhiều những câu chuyện tượng trưng cho sự chiến thắng của cái Thiện trước cái Ác và của Ánh sáng trước Bóng tối.

Truyền thuyết kể rằng ở vùng đất Silene, thuộc Libya ngày nay, có một hồ nước ngọt bị một con rồng làm cho ô uế. Nó sống ở đó là và làm nhiễm độc nguồn nước của người dân trong vùng. Không những vậy, nó còn bắt người dân hàng ngày phải cống nạp cho nó 2 con cừu mỗi ngày, nếu không, nó sẽ phun lửa thiêu rụi thành phố. Khi tất cả những con cừu trong vùng đã bị ăn thịt thì nó đòi họ phải cống nạp những đứa trẻ bằng cách bốc thăm. Một ngày kia, đến lượt công chúa Sabra của Silene bốc phải lá thăm xấu số.

saint_george_and_the_dragon_princess_sabra_drawing_the_lot.jpg
Công chúa Sabra bốc phải lá thăm trở thành thức ăn của con rồng hung ác (tranh của Edward Burne Jones năm 1866)
burne-jones-saint-george-and-the-dragon-the-princess-tied-to-the-tree-1866.jpg
Công chúa Sabra bị trói bên bờ hồ (tranh của Edward Burne Jones năm 1866)

Nhà vua chìm trong nỗi đau buồn, van xin dân chúng tha mạng cho con gái ông và hứa sẽ trả ơn bằng tất cả vàng bạc và một nửa vương quốc nếu công chúa được tha mạng. Nhưng không người dân nào đành lòng đem con của mình thế mạng cho công chúa, thế là cô công chúa Sabra đành phải chấp nhận số phận của mình. Nhà vua đem cô đến bên bờ hồ, trang điểm cho cô như một cô dâu và chuẩn bị hiến tế cô lên con rồng tham lam, với lời hứa rằng ai có thể cứu được công chúa thì kẻ đó sẽ lấy nàng làm vợ.

Ngay lúc đó thì thánh George cưỡi ngựa đi ngang qua bờ hồ. Thấy cảnh tượng cô công chúa xấu số bị trói tại đây, ông thề sẽ cứu cô công chúa và tiêu diệt con rồng, mặc dù chính công chúa đã cố thuyết phục ông hãy rời đi. Tuy nhiên, là một vị kỵ sĩ, Thánh George không chấp nhận bước đi khi người khác còn đang gặp nạn. Chàng nhanh chóng cởi trói cho công chúa trong sự lo lắng của nàng. Khi họ còn đang bận tranh cãi thì con rồng gớm ghiếc trồi lên từ hồ nước. Ngay lập tức, Thánh George leo lên lưng ngựa, làm dấu thánh giá và lao tới con rồng, đâm cho nó một mũi thương chí mạng. Cú va chạm làm vũ khí của Thánh George bị gãy, còn con rồng thì bị mũi thương xuyên qua.

Saint-George.jpg
Thánh George dùng thương lao vào con rồng (Tranh của Hans von Aachen)

Mất thương, Thánh George tiếp tục dùng gươm khiến con quái vật nhận thêm nhiều thương tích nặng nề. Cuối cùng, nó đành đổ gục đầu hàng.

St_George_kills_the_dragon_by-edward_burne-jones.jpg
Thánh George dùng gươm khuất phục con rồng (tranh của Edward Burne Jones năm 1866)
Gilbert, John, 1817-1897; Fair Saint George
Thánh George và công chúa Sabra dắt con rồng về Silene (tranh của John Gilbert năm 1881)

Sau đó ông bảo cô công chúa ném cho mình sợi dây thắt lưng của cô và dùng nó để thắt cổ con rồng. Con quái thú ngoan ngoãn theo chân thánh George và công chúa trở lại thành phố Silene. Người dân kinh hãi khi trông thấy con rồng, thánh George giao kèo rằng nếu họ cải đạo sang Kitô giáo và chịu phép rửa tội thì ngài sẽ kết liễu con rồng vĩnh viễn. 15,000 người kể cả nhà vua liền cải đạo sang Kitô giáo. George giữ lời hứa và giết con rồng và mang thi thể nó ra khỏi thành phố. Nhà vua sau đó đã xây một nhà thờ tôn kính Đức Mẹ Mary và Thánh George ngay địa điểm con rồng bị giết, vòi nước phun ra từ ban thờ ở đó có thể chữa được mọi loại bệnh tật.

bd4d9b88b2d283f26ea75ed7af27c2b2.jpg
Thánh George và công chúa Sabra khải hoàn trở về và thành hôn (tranh của Edward Burne Jones năm 1866)

2. Thánh George tại Georgia

the-martyrdom-of-saint-george-peter-paul-rubens
Sự tử đạo của thánh George (fineartamerica.com)

Thánh George là một vị thánh bảo trợ của Georgia, và là biểu tượng tôn giáo được tôn kính nhất tại đây, bắt đầu từ khoảng thế kỷ thứ 4. Là một con chiên sùng đạo, George đã quyết định một mực không từ bỏ đức tin của mình khi chính quyền La Mã ra lệnh cho quân đội tìm và diệt tất cả các người dân theo Kitô giáo trong cuộc Cuộc bức hại Diocletian hoặc Cuộc bức hại vĩ đại. Ông đã bị cầm tù, tra tấn và kéo lê trên đường và cuối cùng bị chém đầu vào ngày 23/4 năm 303 tại thành phố Nicomedia (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), mà vẫn không từ bỏ Kitô giáo. Xúc động khi chứng kiến cảnh tượng thánh George bị hành hình, nữ hoàng Alexandra thành Rome, vợ của hoàng đế Diocletian, cũng đã cải đạo sang Kitô giáo và cùng chung số phận tử vì đạo với thánh George.

Theo truyền thuyết thì khi thánh George mất, xác của ông đã bị chia làm 365 phần và được cất giữ rải rác tại Georgia và người ta cho rằng có đúng 365 nhà thờ chính thống giáo ở Georgia được đặt theo tên thánh George. Một trong số những nhà thờ lớn nhất trong số đó là tu viện Alaverdi tại vùng Kakheti. გიორგი (Giorgi) là biến thể tiếng Georgia của George, và là cái tên được đặt cho cánh đàn ông phổ biến nhất tại đất nước này.

800px-Alaverdichurch.jpg
Tu viện Alaverdi tại vùng Kakheti (wikipedia.org)

Có rất nhiều những câu chuyện dân gian tại Georgia khác với những gì được kể bởi nhà thờ Chính thống giáo Georgia, bởi vì họ miêu tả thánh George khác với Giáo hội, và thể hiện sự tôn kính đối với Thánh bởi chính những người dân bình thường. Những vùng khác nhau của Georgia có những truyền thống khác nhau, nhưng đa số những câu chuyện dân gian này đều cực kỳ tôn kính và đề cao thánh George, đôi khi là cao hơn cả Chúa Jesus và Đức Mẹ Maria.

Saint_George_in_Tbilisi,_Georgia.jpg
Tượng thánh George tại thủ đô Tbilisi, Georgia (wikipedia.org)

Một số câu chuyện thần thoại khác bắt nguồn từ Georgia, nhưng cũng có thể từ Iran, kể rằng quân đội Georgia trong rất nhiều trận chiến chống lại quân Ba Tư đã được dẫn dắt bởi một hiệp sĩ cưỡi ngựa trắng đến từ Thiên đàng, và đó là lý do tại sao quân Georgia có thể chiến thắng dù ít hơn kẻ thù của mình gấp 10 lần.

735304-32.jpg
Hiệp sĩ cưỡi ngựa trắng từ Thiên đàng (saatchiart.com)

3. Trở thành biểu tượng quốc gia

800px-Flag_of_England.jpg
Lá cờ thánh George, cũng là quốc kỳ nước Anh ngày nay (wikipedia.org)

Lá cờ thánh George được cho là đã được sử dụng lần đầu tiên vào thế kỷ thứ 5 bởi vua Vakhtang Gorgasali của Georgia. Sau đó nó được sử dụng một lần nữa vào thế kỷ thứ 13 bởi nữ hoàng Tamar trong những chiến dịch chống lại người Thổ Seljuk. 4 chữ thập Jerusalem sau đó đã được thêm vào bởi vua George V của Georgia, người đã có công đánh đuổi quân xâm lược Mông Cổ vào năm 1334.

Lá quốc kỳ này sau đó bị xóa sổ sau khi bị Nga thôn tính và bãi bỏ chế độ quân chủ tại Georgia. Tuy nhiên trong phong trào yêu nước tại Georgia vào những năm 1990, lá cờ này đã được hồi sinh như là một biểu tượng của sự tái sinh đất nước Georgia cùng bản sắc văn hóa của nó. Lá cờ sau đó cuối cùng đã được Quốc hội Georgia sử dụng lại một cách chính thức vào năm 2004.

800px-Flag_of_Georgia.jpg
Quốc kỳ Georgia ngày nay (wikipedia.org)

Tại vùng Kakheti, thánh George được gọi là Tetri Giorgi (nghĩa là George Trắng), đồng bộ hình ảnh thánh George trong Kitô giáo và một vị thần Mặt trăng bản địa. Vào tháng 5/1918, nước Cộng hòa Dân chủ Georgia non trẻ vừa giành độc lập từ Đế chế Nga, đã chọn hình ảnh Tetri Giorgi làm trung tâm quốc huy của mình. Trong thiết kế này, Tetri Giorgi được thể hiện là một kỵ sĩ mang vũ khí đang cưỡi ngựa dưới bầu trời mô tả 7 vì sao tượng trưng cho 7 hành tinh thuộc Thái dương hệ.

Quốc huy này được sử dụng cho tới khi Liên Xô nắm quyền và thay thế bằng những biểu tượng của ý thức hệ Cộng sản. Tuy nhiên, nó lại được sử dụng trở lại trong thời kỳ Georgia hậu Liên Xô từ năm 1991 đến 2004.

Coat_of_arms_of_the_Democratic_Republic_of_Georgia.jpg
Quốc huy nước Cộng hòa Dân chủ Georgia năm 1918 (wikipedia.org)

Đến năm 2004, hình ảnh của thánh George đã được thay đổi như ngày nay, với hình ảnh Ngài cưỡi ngựa trắng, tay phải cầm lưỡi thương đang đâm vào họng con rồng, mình mặc áo giáp sắt, đeo kiếm bên hông và áo choàng bay phấp phới, với ý nghĩa thánh George trên lưng tuấn mã trắng là vị thần bảo hộ của nhân dân và đất nước Georgia.

197px-Lesser_coat_of_arms_of_Georgia.jpg

Nguồn:

https://en.wikipedia.org/wiki/Saint_George_and_the_Dragon

https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A1nh_George

https://en.wikipedia.org/wiki/Saint_George

https://trithucvn.net/van-hoa/tim-hieu-nghe-thuat-phuc-hung-thanh-ky-si-giet-rong.html

https://en.wikipedia.org/wiki/Patronages_of_Saint_George

https://en.wikipedia.org/wiki/Saint_George%27s_Cross

https://en.wikipedia.org/wiki/Tetri_Giorgi

Bình luận về bài viết này